Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, cho biết các vấn đề "nóng" liên quan đến ngành tòa án mà đại biểu Quốc hội quan tâm, sẽ được ưu tiên trả lời trong phiên chất vấn.
Ngày 18/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng. Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành TAND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Ưu tiên trả lời các nội dung "nóng" - Trước phiên chất vấn, ông đã chuẩn bị những gì để trả lời đại biểu Quốc hội? - Tôi hồi hộp trước phiên chất vấn vì phải chuẩn bị tất cả những nội dung đáng chú ý của ngành mà có thể các đại biểu có thể quan tâm. Nội dung "nóng" của ngành cần ưu tiên và sẽ phụ thuộc vào chất vấn của các đại biểu. Hiện, tôi chưa biết các đại biểu hỏi cụ thể vấn đề gì nhưng chắc chắn vấn đề tăng cường xử nghiêm những sai phạm trong ngành sẽ được đại biểu đề cập và tôi đã chuẩn bị. Chúng tôi cũng rất mong các đại biểu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành. Chanh an TAND toi cao: Toi khong ne ha doi hoi chinh dang cua dai bieu hinh anh 1 Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Quochoi.vn. - Ông thấy áp lực lớn nhất với người đăng đàn trả lời chất vấn là gì? - Tôi không biết các bộ trưởng, trưởng ngành khác áp lực thế nào nhưng tôi sẽ cố gắng làm sao thoả mãn câu hỏi của đại biểu. Những đề nghị, đòi hỏi chính đáng của các đại biểu thì phải thực hiện. Tôi không nề hà gì cái đó. Ngoài ra, tôi mong muốn truyền tải đến toàn hệ thống đòi hỏi của Quốc hội, của người dân với việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng xét xử. Thực tiễn phong phú hơn quy định của luật - Cải cách tư pháp vừa qua tiến hành đáp ứng được bao nhiêu phần so với yêu cầu thực tế đặt ra? - Nói đạt được bao nhiêu phần thì không thể đánh giá được, chỉ có điều chúng ta phục vụ tốt nhất cho dân thôi. Từ giờ đến 2020 kết thúc chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Đảng, tôi nghĩ là sau 2020 thì cần tiếp tục có đổi mới, vì nền tư pháp thế giới tiến mạnh về cả cơ sở hạ tầng pháp lý và việc xây dựng đội ngũ, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của ngành. Thực ra, không có quốc gia nào tự đánh giá mình có nền tư pháp hoàn hảo. Cuộc sống luôn luôn vận động và các đòi hỏi của người dân thì ngày càng cao. - Thực hiện Nghị quyết 49 chúng ta làm được gì? - Chúng ta làm được rất nhiều việc. Trước hết về mặt xây dựng hạ tầng pháp lý, với chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49, chúng ta đã có bước tiến dài. Sau Hiến pháp 2013 là một loạt các đạo luật về cải cách tư pháp, cái mới có nhiều, nhưng riêng về tư pháp có thể khái quát trên mấy khía cạnh như: Đề cập quyền con người - đây là yếu tố nhân văn, quan trọng; những chế định về bảo đảm quyền con người được cụ thể trong Hiến pháp và các đạo luật. Thứ hai là lần đầu tiên chúng ta pháp điểm hoá các nguyên tắc tư pháp tiến bộ của thế giới, ví dụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng, những nguyên tắc xử lý có lợi... Nội dung thứ 2 của tiến bộ tư pháp là xây dựng lại đội ngũ chức danh tư pháp, đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, kể cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và các đội ngũ khác như giám định viên, rồi các chức danh thi hành án. Đội ngũ này lớn về mặt số lượng, nâng cao về mặt chất lượng, đào tạo bài bản hơn, rất nhiều người có học vị cao hơn. Riêng, đội ngũ thẩm phán và điều tra viên 100% có trình độ đại học và cao hơn. Trách nhiệm cũng được nâng lên. Một việc nữa của cải cách tư pháp là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn thì Đảng, Nhà nước đã tăng cường đầu tư nguồn lực nhất định trong hoạt động cải cách tư pháp. Chúng ta cũng hình thành được tổ chức, cơ chế tuân thủ nguyên tắc hiến định là quyền lực có phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau.